Chứng nhận HACCP đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm thực phẩm. Đối với doanh nghiệp HACCP giúp nâng cao vị thế cạnh tranh và cơ hội hợp tác. Đối với người tiêu dùng HACCP giúp đảm bảo thực phẩm sạch tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên để hiểu rõ về chứng nhận HACCP thì không phải ai cũng nắm rõ được. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ chi tiết thông tin về HACCP và chứng nhận HACCP để doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng hiểu rõ.

Chứng nhận HACCP là gì?
Chứng nhận HACCP là hoạt động đánh giá, xác nhận một tổ chức hoặc doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn phù hợp với các yêu cầu, nguyên tắc được HACCP đặt ra. Khi kết quả đánh giá là phù hợp, doanh nghiệp, tổ chức đó sẽ được cấp chứng nhận (hay chứng chỉ) HACCP. Việc chứng nhận tiêu chuẩn HACCP thường được thực hiện bởi một tổ chức chứng nhận sự phù hợp có thẩm quyền.
Tiêu chuẩn HACCP là gì?
- Tiêu chuẩn HACCP có tên gọi đầy đủ là Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (Hazard analysis and critical control point). Đây là một hệ thống về quản lý an toàn thực phẩm được thiết kế dựa trên việc xác định, phân tích, đánh giá cũng như kiểm soát mọi mối nguy có ảnh hưởng tới mức độ an toàn vệ sinh của thực phẩm.
- Các nguyên tắc, yêu cầu của HACCP được coi là một bản hướng dẫn có tính định hướng cho doanh nghiệp từ khâu ban đầu tới khâu tiêu thụ cuối cùng. Đồng thời, cung cấp cho doanh nghiệp các phương pháp kiểm soát, kiểm tra cơ bản cho từng công đoạn trong quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm.
- HACCP là một công cụ kiểm soát rủi ro về an toàn thực phẩm được thừa nhận trên phạm vi toàn thế giới. Với HACCP, doanh nghiệp có thể chủ động kiểm soát được mọi vấn đề, yếu tố có thể gây tác động tiêu cực tới mức độ an toàn của thực phẩm. Từ đó, đảm bảo đưa đến cho người tiêu dùng những thực phẩm thực sự an toàn và không gây nguy hại tới sức khỏe con người.
Bên cạnh đó có 1 tên gọi mà hay được nhiều người nhắc đến khi nói về tiêu chuẩn HACCP, đó là: tiêu chuẩn HACCP CODEX hay CODEX HACCP. Vậy HACCP CODEX là gì?
Nhận thức được tầm quan trọng của HACCP đối với việc kiểm soát thực phẩm, phiên họp thứ hai mươi của Ủy ban Codex Alimentarius, được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 7 tháng 7 năm 1993, đã thông qua Hướng dẫn áp dụng hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn HACCP. Uỷ ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (CODEX) khuyến cáo việc nên áp dụng hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn – HACCP kết hợp với việc duy trì điều kiện sản xuất – GMP để đảm bảo hiệu quả nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đối tượng áp dụng tiêu chuẩn HACCP
- Tiêu chuẩn HACCP được áp dụng rộng rãi ở mọi lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp thực phẩm. Nói cách khác, dù doanh nghiệp của bạn tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào chuỗi cung ứng thực phẩm thì đều có thể áp dụng HACCP trong việc quản lý an toàn thực phẩm.
- Đồng thời, HACCP cũng dành cho tất cả các nhà sản xuất hay các doanh nghiệp thực phẩm muốn chứng minh khả năng của mình trong việc cung cấp những thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng. Cũng như chứng minh được khả năng đáp ứng được các yêu cầu của luật định, quy định hiện hành của quốc gia cùng quốc tế về thực phẩm.
Vì sao doanh nghiệp cần chứng nhận HACCP?
- Xã hội ngày càng phát triển kéo theo sự nở rộ của không ít các dịch vụ, sản phẩm về thực phẩm. Nhưng không phải sản phẩm/ dịch vụ nào cũng đảm bảo về an toàn và vệ sinh thực phẩm. Không ít trường hợp vì tiêu thụ phải thực phẩm bẩn, kém chất lượng mà phải đối mặt với vô vàn các vấn đề về sức khỏe
- Điều này khiến cho người tiêu dùng ngày càng lo lắng cũng như mất niềm tin vào các nhà sản xuất. Trong bối cảnh như vậy, tất cả chúng ta, bao gồm chủ trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nhà sản xuất, chế biến thực phẩm cùng người tiêu dùng đều có vai trò cùng nghĩa vụ góp phần vào việc giảm thiểu các vấn đề về an toàn thực phẩm.
- Một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn đang bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay chính là tiêu chuẩn HACCP. Có thể nói, tiêu chuẩn này chính là nền móng vững chắc cho việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, nó cũng là cơ sở của luật pháp quốc tế và thực hành sản xuất tốt trong tất cả các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp thực phẩm.
HACCP cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp thực hiện thương mại quốc tế. Bởi chứng nhận HACCP được xem như là một bằng chứng hợp lý chứng minh tổ chức/doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh thực phẩm đảm bảo vệ sinh theo đúng yêu cầu của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nghị định số 15/2018/NĐCP quy định như sau:
Điều 12. Cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm:
- Cơ sở đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.
- Điều này có thể hiểu là một khi các tổ chức/ doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận hệ thống HACCP thì sẽ không cần phải chứng nhận cơ sở đạt đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Lợi ích khi doanh nghiệp đạt chứng nhận HACCP
- Khi đạt được chứng nhận HACCP, doanh nghiệp sẽ đạt được nhiều lợi ích thiết thực, điển hình như:
- Là bằng chứng chứng minh doanh nghiệp thực hiện các cam kết về an toàn thực phẩm.
- Là bộ công cụ hỗ trợ doanh nghiệp quản lý các khâu liên quan tới thực phẩm một cách hiệu quả.
- Tạo dựng lòng tin cho khách hàng cùng các đối tác về mức độ an toàn thực phẩm của các sản phẩm/ dịch vụ doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh.
- Là sự đảm bảo của doanh nghiệp với khách hàng, người tiêu dùng cùng các tổ chức chính phủ, tổ chức thương mại về hệ thống kiểm soát của doanh nghiệp đã được đặt đúng chỗ và phát huy được vai trò của nó trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Là cơ sở để doanh nghiệp giám sát hệ thống an toàn thực phẩm một cách toàn diện và có cải tiến khi thích hợp.
- Là tiền đề để doanh nghiệp thực hiện thương mại quốc tế do HACCP là một tiêu chuẩn được thừa nhận quốc tế.